Kinh nghiệm du lịch Pù Luông từ A – Z

0
480

Pù Luông – Thanh Hóa là địa điểm mới nổi Thanh Hóa có diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú. Đi du lịch Pù Luông, Quý khách sẽ hoàn toàn choáng ngợp bởi vẻ đẹp hút hồn của những thửa ruộng bậc thang trải dài cùng với những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Để thuận lợi hơn cho Quý khách trong việc khám phá Pù Luông, Vietmountain Travel chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Pù Luông từ A – Z để các Quý khách tham khảo.

  1. Đôi nét về Pù Luông

Pù Luông cách vườn quốc gia Cúc Phương 25 km, được nối liền với phần đuôi của vườn quốc gia Cúc Phương bằng hai dãy núi đá vôi màu xám chạy song song. Ở giữa là những thung lũng lúa. Phía bắc và đông bắc của khu bảo tồn Pù Luông giáp Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Kéo dài từ phía tây xuống phía nam của khu bảo tồn là dòng sông Mã, từ điểm giáp giới của huyện Quan Hóa với huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) qua khu vực thị trấn Quan Hóa xuống gần thị trấn Cành Nàng (Bá Thước).


Ba địa điểm có tiềm năng lớn để khai thác thành khu nghỉ mát tại đây là Bản Đôn nơi có di sản ruộng bậc thang đẹp nhất Pù Luông, Son Bá Mười (xã Lũng Cao) và đỉnh Pù Luông cao 1.700 m tại khu vực xã Thành Sơn. Ngoài ra xung quanh Pù Luông còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Bản Lác (Mai Châu), suối Cá Thần Cẩm Lương, Rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa),… tạo thành tuyến hành trình du lịch hấp dẫn.

  1. Nên đi Pù Luông tháng mấy

Quý khách có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để thư giãn cùng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao. Bởi Pù Luông là khu vực vùng cao với các cánh rừng nguyên sinh bao quanh, khí hậu ở Pù Luông khá dễ chịu kể cả giữa những ngày hè oi bức.
Tuy nhiên để cảm nhận được đủ hương vị nơi đây mùa lúa, Ebino Pù Luông khuyên Quý khách nên đi vào thời điểm dưới đây
– Tháng 3, 4 lúa đã lên xanh sau những cơn mưa đầu mùa. Cả thung lũng bao trùm một màu xanh mát cộng với màu xanh của núi rừng làm tâm hồn người lữ khách đường xa trở nên thanh sạch hơn bao giờ hết. Một cảm giác tươi mát, sạch sẽ, khoáng đạt. Nhìn cảnh sắc đó lòng người bỗng rộng mở, yêu đời hơn.


– Sang tháng 5, lúa đã bắt đầu ngả sang sắc vàng tơ, để rồi đầu tháng 6 toàn một màu vàng rực của lúa chín. Hương lúa chín ngập tràn thung lũng, tâm trạng người lữ khách cũng bình tĩnh, chín chắn, để rồi ngập trong hương lúa ấy, sự khoan dung, yêu thương dạt dào.
– Tháng 7 đến tháng 10: Nếu Quý khách lỡ chuyến mùa lúa chín ở Mù Căng Chải, ở Sa Pa hay Y Tý vào tháng 9 thì hãy đến với Pù Luông vào tháng 10 nhé. Nơi đây mùa lúa thường chậm hơn các nơi khác độ 1 tháng. Đây là mùa lúa thứ  2 ở Pù Luông. Vào độ này thời tiết đã sang thu, khí hậu mát mẻ và bầu trời trong xanh càng làm cho chuyến đi của Quý khách dễ dàng hơn bao giờ hết.

  1. Kinh nghiệm du lịch Pù Luông – Di chuyển tới Pù Luông

Để tới Pù Luông, Quý khách có thể tham khảo những cách di chuyển sau đây nhé:

Đi Pù Luông bằng xe khách

Nếu đi bằng xe khách, Quý khách sẽ mất khoảng 4-5 tiếng để từ Hà Nội đến Pù Luông. Trước kia, xe khách chỉ trả khách tại thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) nhưng hiện nay thì xe đã chở thẳng khách đến khu bảo tồn Pù Luông.

Vietmountain Travel chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Pù Luông từ A – Z
Vietmountain Travel chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Pù Luông từ A – Z

Phương tiện cá nhân

Cách thuận tiện và nhanh nhất để di chuyển tới Pù Luông là bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) nếu Quý khách xuất phát từ Hà Nội hoặc một số tỉnh lân cận phía Bắc.
Đường 1: Dễ đi và nhanh nhất.
+ Đi lối quốc lộ 6 đến thị trấn Xuân Mai, rẽ trái vào đường mòn HCM.
+ Đi qua địa phận Cúc Phương đến Thị trấn Cẩm Thủy. Qua cầu Cẩm Thủy khoảng 700m thì rẽ phải lối đi Na Mèo.
+ Đi theo đường đó đến thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước thì rẽ phải vào cầu La Hán. Còn 17km nữa là đến bản Đôn – trung tâm của Pù Luông. Ở bản Đôn hiện nay có nhiều resort đẳng cấp và homestay sạch sẽ tiện nghi nhất Pù Luông.
Đường 2: Đi qua Mai Châu
Từ điểm xuất phát tới Pù Luông, Quý khách nên đi theo một cung đường vòng tròn (đi một đường và về một đường khác) để tránh lặp lại đường đi cũ. Từ Hà Nội, đi theo đường QL6 hướng Hòa Bình, lựa chọn một trong hai đường qua thung lũng mây Lũng Vân hoặc qua Bản Lác, Mai Châu rồi tới Pù Luông.


Đường 3: Đường cảnh đẹp nhất nhưng nhiều dốc khó đi.
Con đường đi qua Lũng Vân là con đường nhỏ với đèo dốc quanh co giống địa hình của các tỉnh phía Tây Bắc, cảnh sắc 2 bên đường hùng vĩ và hoang sơ. Trên đường đi Pù Luông Thanh Hoá, Quý khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt vời, những vạt mây ôm trọn lấy thân núi hay lớp sương sớm mơ hồ huyền ảo dưới thung lũng. Quãng đường đi khoảng 200km, thời gian di chuyển đường đèo rơi vào 4 – 5 tiếng.
Khi về từ Pù Luông các Quý khách đi theo QL15C và QL217 về Suối cá thần Cẩm Lương, từ đây chạy men theo đường Hồ Chí Minh, đến ngã tư Xuân Mai (QL6) về Hà Nội. Đường này tuy xa hơn nhưng đi lại dễ hơn và cũng là một cung đường khá đẹp, thoáng mát để ngắm cảnh. Trên đường đi về, nếu có thời gian Quý khách có thể kết hợp tham quan và khám phá Vườn quốc gia Cúc Phương.

  1. Chơi gì khi đến Pù Luông

Bản Kho Mường

Nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn Pù Luông, thung lũng Kho Mường ít chịu tác động của con người nên vẫn giữ được vẻ hoang sơ, mộc mạc vốn có. Nơi đây là mái nhà của hơn 60 hộ dân tộc Thái với khoảng 230 nhân khẩu. Người trong bản chủ yếu sinh sống nhờ vào việc làm nông như: trồng lúa, ngô, sắn,… trên các ruộng bậc thang. Đứng từ trên cao nhìn xuống, Kho Mường ẩn hiện với những ngôi nhà sàn nho nhỏ được bao quanh bởi các thửa ruộng vàng đượm hương lúa đẹp đến ngỡ ngàng. Đến với Kho Mường, Quý khách có thể trải nghiệm những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân chân chất, mộc mạc nơi này.

Check-in hang Kho Mường –hang Dơi
Hang Kho Mường nằm trong hệ thống hang động của khu bảo tồn Pù Luông, từ sau khi được phát hiện, nơi đây đã trở thành địa điểm đầy sức hút với du khách đến với Thanh Hóa. Lối vào hang động là một con đường đất nhỏ được phủ kín bởi rừng rậm. Bước vào trong, Quý khách sẽ cảm thấy như đang lạc vào một vùng đất xa xưa, bí hiểm hoàn toàn đã bị con người lãng quên. Hang Dơi được kiến tạo từ những khối đá vôi sừng sững được hình thành từ trăm triệu năm trước với những hình thù kỳ lạ. Hang động vẫn còn giữ được nguyên dáng vẻ hoang sơ, kì vĩ khiến người xem phải thán phục sự kì diệu của thiên nhiên nơi đây.


Sở dĩ hang Kho Mường được gọi là hang Dơi là bởi vì đây là nơi trú ngụ của hàng trăm con dơi trong bản Kho Mường. Độ ẩm và sự tĩnh lặng trong hang Dơi không chỉ là ngôi nhà thích hợp cho loài dơi mà còn của nhiều loài chim rừng quý hiếm khác. Theo kinh nghiệm du lịch Pù Luông, Quý khách nên mang theo giày leo núi hoặc giày thể thao để di chuyển vào Hang Dơi để tránh té ngã nhé. Giá vé tham quan hang Dơi hiện tại là 10k/người.

Khám phá chợ phiên Phố Đoàn
Du lịch Pù Luông thì Quý khách nhất định phải tham quan chợ phiên Phố Đòn có từ thời Pháp thuộc tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Chợ chỉ họp 2 ngày vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần, là nơi bà con dân tộc Thái, Mường, Kinh trao đổi hàng hóa, giao lưu đời sống văn hóa. Ở đây, Quý khách có thể ăn sáng với các đặc sản địa phương độc đáo và mua đồ lưu niệm thủ công như: khăn, nón, quần áo,…

Tham quan Bản Đôn
Bản Đôn thuộc xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một bản nhỏ nằm trong trung tâm khu bảo tồn Pù Luông còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và lối kiến trúc nhà sàn độc đáo. Những nếp nhà sàn vẫn mang vẻ đẹp cổ xưa với mái lợp Lá Cọ nằm ẩn mình dưới những tán cây. Bản Đôn cũng là bản có những thửa ruộng bậc thang lớn nhất ở Thanh Hóa, nếu Quý khách đến du lịch Pù Luông mùa lúa sẽ được phóng tầm mắt nhìn những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn.

Chụp hình với cọn nước

Cọn nước hay còn gọi là bánh xe nước, guồng nước là một nét sáng tạo độc đáo của người dân tộc Thái ở Pù Luông. Các guồng nước này có nhiệm vụ quan trọng là lấy nước từ những con suối trong bản để cung cấp cho nông nghiệp.
Tiếng nước chảy róc rách qua guồng nước hòa vào tiếng cười trẻ thơ của đám trẻ đang nghịch suối trong khung cảnh yên bình của Pù Luông sẽ giúp Quý khách cảm nhận sâu sắc tâm hồn của mảnh đất vùng Bắc Trung Bộ này. Những địa điểm có guồng nước đẹp mà Quý khách có thể đến tham quan và chụp hình như: xã Ban Công, khu vực làng Tôm – suối Chàm,…

Kinh nghiệm du lịch Pù Luông – Chèo bè tre trên suối Chàm
Pù Luông là một khu bảo tồn thiên nhiên nên hệ sinh thái ở đây vô cùng đa dạng và phong phú. Sẽ thật thiếu sót nếu Quý khách có muốn khám phá thiên nhiên ở Pù Luông mà lại bỏ qua trải nghiệm chèo bè tre trên suối Chàm.
Ngồi trên chiếc bè tre trôi chầm chậm qua con suối Chàm tận hưởng cảnh đẹp nên thơ của núi rừng sẽ mang đến cho Quý khách cảm nhận chân thực nhất về thiên nhiên nơi này. Từ làng Tôm, men theo quốc lộ 15C nhìn bên tay phải Quý khách sẽ nhìn thấy bảng hiệu của Bamboo Rafting và số điện thoại để liên hệ với chủ bè nhé.

Hành trình lên Son – Bá – Mười
Son – Bá – Mười được ví như một “Sapa thu nhỏ của Thanh Hóa” bởi khí hậu dễ chịu, mát mẻ quanh năm. Là một trong 3 bản vùng cao của xã Lũng Cao nằm biệt lập với bên ngoài, hành trình đến với Son – Bá – Mười khá khó khăn nhưng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ nơi đây sẽ không khiến Quý khách thất vọng. Không chỉ đến du lịch Sapa mới có những biển mây lồng lộng, mà Son – Bá – Mười cũng là điểm săn mây được rất nhiều Quý khách trẻ săn đón.


Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều những phong tục tập quán của người Thái, Mường cổ, cuộc sống tuy có nghèo khó nhưng con người vùng cao Son – Bá – Mười rất giàu tình cảm và hiếu khách. Nếu đến thăm bản Son – Bá – Mười, Quý khách sẽ thực sự đắm chìm và yêu mến vào vẻ đẹp thiên nhiên và sự ấm áp, nồng hậu của con người nơi đây.

Chinh phục đỉnh núi Pù Luông
Nếu Quý khách là người đam mê trekking và mạo hiểm thì đỉnh Pù Luông là địa điểm lý tưởng nhất cho Quý khách. Với độ cao 1.700m, Quý khách sẽ tốn khoảng 5-6 tiếng để có thể đến được đỉnh núi trong những ngày nắng đẹp. Từ đỉnh núi Quý khách có thể phóng tầm mắt xuống phía dưới để ngắm nhìn toàn cảnh khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tận hưởng cảm giác chinh phục đỉnh vinh quang. Quý khách có thể cắm trại trên núi qua đêm và đón bình minh tuyệt đẹp vào sáng ngày hôm sau.

Bản Hiêu
Bản Hiêu nằm ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa là một bản lâu đời của bà con dân tộc Thái. Cung đường di chuyển đến Bản Hiêu từ thị trấn Cành Nàng rất đẹp, đặc biệt là khi vào mùa lúa chín, hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn đang ngả vàng. Tính từ đầu bản đến cuối bản, có tất cả 5 thác nước khác nhau, đều, nếu Quý khách là người thích lội suối, tắm suối thì Bản Hiêu là địa điểm vô cùng thích hợp.

Thác Bản Hiêu

Nếu Quý khách đã đến Bản Hiêu thì Quý khách không thể không ghé thăm thác Bản Hiêu, thác nước đẹp nhất xứ Thanh. Ẩn mình trong màu xanh bạt ngàn của khu rừng nguyên sinh, thác Bản Hiêu thuộc Bản Hiêu, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Đường đi vào thác Bản Hiêu rất dễ dàng, từ làng Quý khách đi qua một cây cầu gỗ nhỏ là có thể vào trong, dòng thác xanh ngắt đổ từ trên cao, trườn qua những tán cây của khu rừng nguyên sinh tạo thành một khung cảnh nên thơ. Tham quan thác Bản Hiêu Quý khách sẽ được cảm nhận sự thư thái, bình yên giữa âm vang của đại ngàn. Ngoài ra, ngay phía ngoài chân thác còn có một “hồ bơi” tự nhiên chỉ cao hơn 1m, Quý khách có thể ra đây tắm rửa thỏa thích sau khi lội thác.

Vietmountain Travel chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Pù Luông từ A – Z
Vietmountain Travel chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Pù Luông từ A – Z

Thác Muốn
Thác Muốn hay còn gọi là thác Mơ nằm ở xã Điền Quang, huyện Bá Thước. Dòng suối từ những khe đá trên núi cao hơn 500m chảy về thung lũng qua các sườn núi tạo nên con thác hùng vĩ với 43 tầng thác cao, thấp khác nhau. Di chuyển đến thác Muốn vô cùng dễ dàng vì đá ở đây là loại đá cát nhẵn nhụi không hề trơn ướt.
Ngoài những địa điểm kể trên, Quý khách có thể kết hợp du lịch một số khu vực gần Pù Luông như: Bản Lác (Mai Châu), suối Cá Thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)….

  1. Ăn gì ở Pù Luông ?

Các món ăn chủ yếu ở Pù Luông là các món nướng ăn kèm với cơm hoặc xôi được bày trên những khay lá mang đậm nét đặc trưng của dân tộc vùng cao.

  • Cá suối nướng
  • Vịt Cổ Lũng (Vịt ở đây được thả tự do trên các khe suối, cánh đồng nên vịt có xương nhỏ, thịt chắc và có vị thơm ngon)
  • Gà đồi ( Gà Pù Luông được nuôi thả tự nhiên trên các ngọn đồi, ăn thóc nên thịt rất ngọt và thơm)
  • Lợn cỏ nướng
  • Ốc đá
  • Măng đắng chấm mắc khén
  • Cơm lam
  1. Resort ở Pù Luông Thanh Hóa

Ebino Pù Luông Resort – Bản Đôn, Bá Thước, Thanh Hoá

Pù Luông Home – Thành Lâm, Bá Thước, Thanh Hoá

Pù Luông Retreat – Thành Lâm, Bá Thước, Thanh Hoá

Ohayo Pù Luông – Thôn Đôn, Bá Thước, Thanh Hoá

Để có chuyến đi hoàn hảo, du khách nên chuẩn bị :

Giày đi bộ, thể thao hoặc leo núi vừa chân, thoải mái, thấm hút tốt
Mang thêm quần áo nếu định tắm thác Bản Hiếu
Mang theo thuốc men, kem chống nắng, thuốc chống nấm, chống côn trùng để khám phá rừng.
Nên kiểm tra theo dõi thời tiết trước chuyến đi vài ngày để tránh mưa rừng.
Cần bơm xăng đầy trước khi vào Pù Luông.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here